Làm Quen Phong Thuỷ Học, Vận Dụng Phong Thuỷ Học

  • Viết bởi: Ngọc Phương
    Ngọc Phương Tôi là Ngọc Phương, hiện đang đảm nhiệm vị trí Content Writer cho Vạn Sự Như Ý
  • 7 Lượt xem
  • Cập nhật lần cuối 25/01/2024
  • Reviewed By Lâm Huyền Cơ
    Lâm Huyền Cơ Lâm Huyền Cơ là người yêu thích tìm hiểu các kiến thức phong thủy cổ đại, bên cạnh đó còn nghiên cứu kinh dịch và phong thủy hiện đại.

Phong thuỷ học là một ngành khoa học cổ xưa có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã trải qua hàng ngàn năm phát triển và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới. Làm quen và vận dụng phong thuỷ học vào cuộc sống hàng ngày không chỉ giúp chúng ta tìm được sự cân bằng giữa tinh thần và vật chất, mà còn đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, tài lộc, tình duyên, gia đạo và công danh.

Phong thuỷ là tên gọi chung khi cổ nhân lựa chọn vùng đất xây dựng nhà ở tiến hành phán đoán tổng hợp các điều kiện như các nhân tố khí hậu, địa chất, địa hình, môi trường, cảnh quan và các điều cấm kỵ trong khi xây dựng.

Học thuyết này bắt nguồn từ thời đại hoàng đế cho đến triều đại Thương, trong văn giáp cốt đã có rất nhiều từ ngữ liên quan đến kiến trúc như xây dựng đền miếu, cung thất… đều là những ghi chép của cổ nhân về việc lựa chọn nơi xây dựng nhà ở.

Học thuyết phong thuỷ nguyên thuỷ coi âm trạch và dương trạch là một thể thống nhất. Đến thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, thiên văn học và địa lý học cổ đại đã có sự tiến bộ vượt bậc, học thuật tư tưởng đặc biệt sôi nổi, một số tác phẩm nổi tiếng liên tục xuất hiện như "Khảo công ký", "Quản tử", "Châu Lễ"… Không khí học thuật rất hào hứng, học thuyết âm dương, ngũ hành, bát quái, khí vận… bắt đầu tổng kết kinh nghiệm xây dựng thành thị và lý luận chọn đất đai, sau đó đã trở thành nền móng để phát triển lý luận phong thuỷ đời sau.

Kể từ đời Hán trở đi đã hình thành quan niệm học thuyết âm dương ngũ hành là nền móng, các loại học thuật như chiêm tinh, tướng thuật, tiên thuật v.v… dần dần phát triển mạnh, giúp cho lý luận phong thuỷ học ngày càng hoàn thiện hơn. Trong quá trình phát triển về sau, một số tác phẩm phong thuỷ học quan trọng không ngừng ra đời như "Táng kinh" của Quách Phác, "Hoàng đế trạch kinh" của Vương Trưng triều Nam Bắc, "Hám Long kinh", "Nghi Long kinh", "Thanh Nang kinh" của Dương Quân Tống đời Đường…, những tác phẩm này đã có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau.

Kể từ sau đời Đường, lựa chọn vùng đất làm mai táng càng được coi trọng hơn, bất kể là âm trạch, dương cư, vị trí trạch mộ, hình thái núi sông đều rất được coi trọng. Tống Nguyên đã bắt đầu tiến hành giải thích về lý luận và sơ đồ bát quái âm dương thái cực, lúc này lý luận của Tống Nguyên đã được vận dụng rộng rãi.

Triều đại Minh Thanh, sự vận dụng lý luận phong thuỷ đã đạt đến đỉnh cao, những tác phẩm phong thuỷ học nổi tiếng lúc này như "Địa lý chính tông", "Địa lý nhân tử tu tri" của Từ Thiện Tục và Từ Thiện Thuật, "Địa lý biện chính" của Hồng Bổ Soạn, "Địa lý đại thành" của Diệp Cửu Thăng…. Lý luận về chọn nhà ở và chọn nơi mai táng trong học thuyết phong thuỷ đến thời kỳ này được chia làm hai phái khác nhau. Hai phái này là phái loan đầu và phái lý khí. Phái loan đầu thiên về lựa chọn hình thế và môi trường núi sông; Phái lý khí thiên về phương hướng vị trí, hướng ngồi và ứng dụng âm dương ngũ hành. Trong đó lại phân chia thành âm trạch và dương trạch. Lý luận của phái lý khí được xây dựng trên khái niệm "khí" của người Trung Quốc cổ đại, cổ nhân cho rằng cả vũ trụ là do "khí" sinh ra. Trước khi trời đất hình thành thì chỉ là "hư vô". Trời đất vẫn do nguyên khí trong "hư vô" sinh ra, khí nhẹ bay lên là trời, khí nặng chìm xuống là đất. Hai loại khí nặng và nhẹ này là hai khí âm và dương. Mà cách nhìn phong thuỷ truyền thống đó chỉ là suy diễn từ nguyên lý "tụ khí" của hai khí âm dương mà ra.

Làm Quen Phong Thuỷ Học, Vận Dụng Phong Thuỷ Học

Cổ nhân có câu: "Bất tri loan đầu giả, bất khả giữ ngôn lý khí; Bất tri lý khí giả, bất khả giữ ngôn loan đầu. Tinh vu loan đầu giả, tận đầu công phu lý khí tự hợp; Tinh vu lý khí giả, tận đầu công phu loan đầu tự kiến" (Người không biết loan đầu thì không thể nói về lý khí; Người không biết lý khí thì không thể nói về loan đầu. Người thông thạo loan đầu thì sẽ tự biết lý khí; Người thông thạo lý khí sẽ tự biết loan đầu).

Nguyên lý phong thuỷ và khoa học quan

Phong thuỷ là tên tục của địa lý, chủ yếu được phân thành hai nhánh lớn, tức là "loan đầu" và "lý khí". Nói một cách đơn giản, "loan đầu" chủ yếu nghiên cứu môi trường xung quanh âm trạch và dương trạch, bao gồm ảnh hưởng của long mạch và nước đối với cơ thể. Còn "lý khí" chủ yếu vận dụng lý luận cửu cung phi tinh, âm dương ngũ hành, bát quái để nghiên cứu khí trường xung quanh âm trạch và dương trạch.

Nói một cách tổng thể, mục đích điều chỉnh phong thuỷ là điều hoà mối quan hệ giữa con người và môi trường để đạt đến sự hợp nhất, hài hoà cộng sinh giữa thiên (trời) và nhân (người). Nói theo quan điểm khoa học, phong thuỷ là điều chỉnh môi trường, mà môi trường được hình thành từ nhiều nhân tố khác nhau như từ trường khác nhau, tia sáng khác nhau (tia sáng có thể nhìn thấy cũng có thể không nhìn thấy, tia tử ngoại và tia hồng ngoại là những tia sáng không nhìn thấy), sóng điện từ và sóng âm thanh khác nhau. Về lý luận phong thuỷ Trung Quốc mà nói, những điều kiện khác nhau này có thể quy nạp lại bằng một từ "khí", khí xuyên suốt vũ trụ chảy quanh thế giới, tất cả các sự vật đều bị chi phối bởi "khí". Sự qua lại của "khí" sinh ra tất cả sự vật, còn cát (lành) và hung (dữ) là do quang, nhiệt, từ trường đã nói ở trên tạo thành. Điều này đã sớm nằm trong phạm vi nghiên cứu của lý luận phong thuỷ. Sự vĩ đại và trí tuệ uyên thâm của cổ nhân đáng để người đời ngưỡng mộ.

Trong phong thuỷ, một căn nhà âm trạch tốt, dương trạch cũng tốt về cơ bản đều chịu sự chi phối của "khí", tất cả sự phát triển và biến đổi đều chịu sự ảnh hưởng của "khí" chảy trong tự nhiên. Những "khí" chảy trong tự nhiên nếu không bị con người can thiệp thì lành dữ của căn nhà này đã được định sẵn bất biến, "Vạn hữu sự vật, tĩnh giả hằng tĩnh, động giả hằng động" (Tất cả những sự vật, cái nào là tĩnh thì mãi là tĩnh, cái nào là động thì mãi là động), trừ khi chịu ảnh hưởng của sức mạnh "ngoại cảnh". Nếu không có sức mạnh ngoại cảnh thì sự lành dữ của căn nhà này cũng giống như định luật Niuton đã nói là sẽ giữ nguyên trạng thái ban đầu vốn có trừ khi có sự tác động của ngoại cảnh khác. Một căn nhà nếu không có sức mạnh bên ngoài hoặc sức mạnh ngoại lai thì sự lành dữ của nó vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Nếu phân tích từ góc độ môi trường và con người, kết quả của trạng thái bất biến này sẽ có lợi và bất lợi, có lợi là lành, bất lợi là dữ. Ngôi nhà được xác định, lành dữ của nó cũng được xác định, trừ khi có sức mạnh bên ngoài tác động vào (bao gồm sức mạnh tự nhiên bên ngoài chứ không phải sức mạnh con người), nếu không thì nó vĩnh viễn không thể tự sinh ra biến đổi, chọn nhà để ở không thể không thận trọng.

Xem phong thuỷ là phải dùng sức mạnh con người cải biến những nhân tố bất lợi bên ngoài, chọn lành bỏ dữ. Xem phong thuỷ là phát huy tính năng động chủ quan của con người lựa chọn môi trường bên ngoài phù hợp với hoàn cảnh sống của con người, cải thiện hoàn cảnh bất lợi cho sự sinh tồn của con người. Xem phong thuỷ là thuyết định mệnh chủ động tích cực, chứ không phải là bị động tiêu cực do người bình thường tưởng tượng ra. Phong thuỷ không hề quyết định vận mệnh bởi vì tác dụng và mục tiêu của phong thuỷ là đi thay đổi định mệnh làm cho cuộc sống con người càng thoải mái hơn.

Những thành kiến trong nhận thức phong thuỷ

Thế nhân tồn tại nhiều thành kiến đối với phong thuỷ học, họ đơn giản cho rằng phong thuỷ học chỉ là cặn bã của văn hoá cổ đại, là mê tín phong kiến. Nguyên nhân chủ yếu hình thành nên cách nhìn phiến diện này là từ sau khi triều Đường "an sử chi loạn", bí quyết địa lý bị chôn vùi, hơn nữa lòng người xảo trá, thế phong nhật hạ. Những người có đức tích thiện thì không được phép lên tiếng; Nhiều người bất học vô thuật, thất đức bại hạnh thì mua danh chuốc tiếng, mồm mép tép nhảy, chỉ điểm lung tung; Lại có những người có học nhưng vô đức thì a dua nịnh bợ cầu phú quý. Thế là phong thuỷ địa lý hiệu nghiệm có, không hiệu nghiệm cũng có, thậm chí con đường cứu nhân độ thế bị biến thành hại nhân loạn thế, làm cho nhiều người nghi hoặc mà từ bỏ phong thuỷ.

Mặt khác, ảnh hưởng của nhân tố chính trị đối với phong thuỷ học cũng rất sâu xa. Lịch sử phong thuỷ học đều chịu ảnh hưởng của chính trị, đặc biệt là trong thời đại phong kiến, đế vương và những người có dã tâm chính trị đi củng cố sự nghiệp chính trị, thế là họ bắt tay nhau về tư tưởng, bãi truật bách gia, độc tôn kinh học, tuyên dương đạo Khổng Mạnh, thiết lập chế độ khoa cử, làm chi các trí sĩ thiên hạ vì công danh lợi lộc mà cả đời chỉ vùi đầu vào học hành thi cử, dốc lòng cho triều đình. Làm như vậy, tuy đạt được mục đích trói buộc tư tưởng các trí sĩ, nhưng cũng cản trở sự phát triển của rất nhiều tư tưởng học thuật. Như vậy có thể nói, đây là một bi kỵch trong lịch sử phát triển tư tưởng văn hoá Trung Quốc.

Các sĩ phu, đại phu thời cổ đại, họ đã đọc sách "Càn Lộc Thư" từ khi còn trẻ nên tư tưởng của họ đã bị che phủ. Sau khi thi đỗ khoa cử, được phong làm quan, để duy trì thân phận và địa vị mà họ dốc sức công kích những tác phẩm không phù hợp với tư tưởng phong kiến chính thống. Phong thuỷ địa lý là một loại thuật số, đương nhiên cũng nằm trong danh sách bị bài trừ của các sĩ đại phu. Cho dù có người nghiên cứu hoặc công nhận nó, họ cũng không tình nguyện hay có thể nói là không dám công khai biểu lộ sự ủng hộ này.

Thời cổ đại những người đi sâu nghiên cứu phong thuỷ học phần lớn là những kẻ sĩ có số phận long đong lận đận, thi không đỗ khoa cử hoặc là những trí sĩ thanh cao không có hứng thú với chính trị (Từ đời Hán trở lại, những đại học giả nghiên cứu phong thuỷ có: Trương Hoành, Vương Cảnh, Quách Phác, Dương Quân Tùng, Túc Cát, Lý Thuần Phong, Xương Tài, Nhất Hành, Vương Chu, Chu Hi, Sái Nguyên Định, Lưu Cơ, Vương Dương Minh, Tướng Đại Hồng, Ngụy Nguyên, Ông Đồng…), song số lượng nhân sĩ này không nhiều, cũng rất ít người đi theo nghiệp phong thuỷ. Tuyệt đại bộ phận những người đi theo nghiệp phong thuỷ địa lý là các thuật sĩ giang hồ không được học qua sách vở hoặc đọc sách rất ít.

Cách nhìn nhận của thế nhân về phong thuỷ có thể chia làm 3 loại:

  • Cho rằng phong thuỷ học là phương thuật kỳ diệu và hoàn toàn tin tưởng.
  • Không tin phong thuỷ nhưng tin "thiên mệnh". Họ cho rằng tốt hay xấu đều là do ông trời sắp đặt từ trước. Hoặc cho rằng phúc nhân cư phúc địa, chỉ cần không làm những việc xấu hổ với lương tâm, hành thiện tích đức, tự nhiên sẽ có phong thuỷ tốt, đâu cần phải đi cầu cứu? Tất cả đều thuận theo tự nhiên.
  • Hoàn toàn không tin, họ cho rằng căn bản không có phong thuỷ.

Với ba loại người trên đều không có nhận thức và nghiên cứu về phong thuỷ học, cũng không thể tự mình nắm bắt được sự tốt xấu của phong thuỷ.

Không thể chỉ ham mê phong thuỷ

Phong thuỷ học là một môn thuật số cứu nhân độ thế, ứng dụng chính xác sẽ có thể cầu phúc diệt họa, trợ nhân khai vận, thậm chí có một số thầy phong thuỷ thông qua nó để ức ác phục thiện, tuyên dương giáo học, nuôi dưỡng những nhân tài xuất chúng để phục vụ xã hội.

Nhưng trong xã hội thương nghiệp hoá hiện nay biến đổi nhanh chóng, con người chạy theo công lợi, thì cầu tài cầu phú quý đã trở thành tâm lý phổ biến của con người, còn “sớm đói chiều no”, “năm Dần ăn khẩu phần năm Mão” thì không ai mong muốn cả. Thế là, có những người theo đuổi tiền tài phú quý đã dùng trăm phương nghìn kế để tìm được phong thuỷ tốt, muốn thông qua địa lý để “dẫn” phú quý về nhà, thậm chí có người cả ngày chỉ chìm đắm vào phong thuỷ, điều này thật không nên.

Vận mệnh con người bị khống chế bởi 3 nhân tố thiên, địa, nhân.

Thiên: là chỉ Tam Viên Liệt Túc và thất chính (gồm nhật, nguyệt, thuỷ, kim, hoả, mộc, thổ), tứ dư (gồm tử khí, nguyệt bột, la hầu, kế đô) và các sao Thiên Vương, Hải Vương, Diêm Vương. Ví dụ, dựa vào “Phép lựa chọn thiên tinh” lấy góc độ có lợi để ứng dụng vào hành sự (như nhập trạch, dựng vợ gả chồng, kê bát hương, kê giường, kê bàn thờ, nhậm chức, xuất hành, tang lễ…)

Địa: chủ yếu là chỉ môi trường xung quanh nhà ở, như bố cục dương trạch thiết kế hợp lý, thượng phong thượng thuỷ thì sẽ có lợi cho cuốc sống và sức khoẻ con người.

Nhân: chủ yếu là phẩm hạnh của con người, như chú ý làm nhiều việc thiện, tu thân dưỡng tính thì sẽ có thể nhận được sự tôn kính của mọi người, làm việc được quý nhân phù trợ, phú quý an khang…

Từ đó có thể thấy, phong thuỷ quả là có một ảnh hưởng nhất định tới con người, như điều chỉnh phong thuỷ tốt có tác dụng cứu trợ đúng lúc, “rét cho áo đói cho cơm”. Nhưng nếu phải thông qua phong thuỷ để cầu tài phúc thì lại gặp phải một vấn đề khó khăn tương tự. Dựa theo kinh nghiệm, cho dù có tìm được phong thuỷ tốt thì còn phải kết hợp với các điều kiện sau:

  1. Đời đời hành thiện tích đức;
  2. Tính cách của người đương sự tốt;
  3. Có dương trạch đương vận (phối hợp cả hình khí);
  4. Dùng “thiên tinh” để chọn ngày, lấy hiệu ứng của các vì sao để thúc đẩy địa linh, như vậy có thể thực hiện đước nguyện vọng.

Nhưng để phù hợp tất cả các điều kiện trên có dễ dàng không? Trong tất cả thì cũng có một cái khó. Vì vậy, đối với phong thuỷ cần phải có một nhận thức chính xác, không được vì cầu tài phú quý mà cả ngày “vùi đầu” ham mê phong thuỷ. (Hình trang 8: Bản đồ Dương Trạch)

Đương nhiên, Phúc, Lộc, Vinh, Thọ là cái mà con người luôn hướng tới; Gian, Nan, Nguy, Khốn là điều mọi người mong tránh; Cơ, Hàn, Bần, Khổ là cái mà con người khó chịu đựng. Thế nhân có biết bao hy vọng cải biến vận mệnh, theo đuổi phú quý. Cho nên tác giả xin đề nghị rằng: Phú quý tuy là điều ai ai cũng mong muốn nhưng nên đi theo con đường chính đạo mà đạt được nó; Phong thuỷ tuy không dễ coi thường nhưng cũng không nên quá đam mê nó. Cải thiện vận mệnh bẩm sinh con đường hữu hiệu nhất là bồi dưỡng tấm lòng chính trực, luôn hướng thiện, hành thiện. Bởi vì, làm nhiều việc thiện tất nhiên sẽ làm cho tâm bình khí hoà, làm việc sẽ được quý nhân phù trợ.

Thế Tôn nói: “Thiên có thiên tâm, địa có địa tâm, nhân có nhân tâm, nếu thiên địa nhân ba tâm nhất chính, bách tà sẽ ẩn đi; ba tâm bất chính bách tà sẽ phát tác. Trong tâm kinh có vô lượng vô biên công đức, không thể lý giải được, nhưng cứ dựa vào đó mà làm, tự nhiên sẽ thành công”. Điều đó là chí lý! Người đọc cần phải ghi nhớ trong tim.

Địa lý, vận mệnh vốn có sở nghiệm, nhưng xoay chuyển càn khôn nằm ở cái tâm. Người có đức, có tuệ, có thuật, có trí, nếu có một tấm lòng chính khí thì những lòng tham, ưu sầu, phiền não sẽ dần dần tiêu tan, đối mặt với cuộc sống luôn giữ thái độ vui vẻ quang minh thì mọi việc sẽ không “làm khó” con người, đồng thời luôn nỗ lực vươn lên, chăm chỉ cần cù lao động, như vậy nhất định có thể vượt qua mọi trở ngại cuộc sống, mở ra một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Làm Quen Phong Thuỷ Học, Vận Dụng Phong Thuỷ Học

* Thuỷ và tài (nước và của cải)

Thuỷ là một điều kiện cần thiết của phong thuỷ kiến trúc, tác dụng chủ yếu là: có lợi cho việc duy trì không khí trong lành và độ ẩm nhất định; có lợi cho sức khoẻ con người và sự sinh sôi nảy nở của thực vật. Nhưng cần chú ý, nước chảy thẳng và nước ô đục đều bất lợi cho con người và cây cối; nước trong xanh, chảy vòng quanh mới phù hợp với môi trường và yêu cầu của phong thuỷ. Đương nhiên, cũng có người nói rằng nước chảy vòng quanh có lợi cho tưới bón, tiêu phòng. Lý luận phong thuỷ luôn cho rằng, “nước quản của cải”, như vậy có lý không nhỉ? Thực ra cũng có tác dụng nhất định nhưng không phải là trực tiếp, nước là thể chuyển tải hữu hiệu mà thời cổ đại vẫn dùng để thực hiện trao đổi của cải. Nhìn từ quá trình hình thành khái niệm “nước quản của cải”, nước là vật chất không thể thiếu trong sinh hoạt sản xuất, đồng thời còn có thể chịu được sự đè nặng của các công cụ vận tải giao thông, tất cả những nơi có nước là những nơi dân cư đông đúc, của cải dồi dào, cũng là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi vật chất tương đối tấp nập, thậm chí trong một giai đoạn lịch sử nào đó còn xuất hiện những tác phẩm vỏ sò lấy từ dưới nước lên được sử dụng để trao đổi hàng hoá, vì thế cổ nhân cho rằng nước là của cải cũng hợp tình hợp lý.

Sau này, trên cơ sở những nhận thức như bên trên đã nói, nước đẩy ra đến đường cái cũng là của cải. Hiện nay trong tất cả thư tịch phong thuỷ được lưu truyền lại và sách phong thuỷ hiện đại đều ủng hộ quan điểm này. Điều này phản ánh tâm lý sùng bái đối với nước với của cải của con người.

Trên thực tế, nước cũng tốt, đường cái cũng tốt, là thể chuyển tải hữu hiệu để cổ nhân thực hiện trao đổi hàng hoá, là con đường chính để thực hiện tiền tài. Thể chuyển tải và phương pháp trao đổi vật chất hàng hoá của con người hiện đại có rất nhiều, ti vi, sách báo, mạng internet… đều được coi là thể chuyển tải để trao đổi hàng hoá của cải. Cần phải nhắc nhở rằng, nước muốn biến thành của cải phải thông qua hoạt động của con người mới đạt được.

Khí của phong thuỷ dương trạch

Khí ở thời cổ đại là một khái niệm rất trừu tượng, nhà duy vật luận cho rằng khí là nguyên tố bản nguyên cấu thành nên thế giới, nhà duy tâm luận cho rằng khí là vật phái sinh của tinh thần khách quan. Các nhà hiền triết xưa cho rằng, không nơi nào là khí không tồn tại, khí cấu thành nên vạn vật, khí không ngừng vận động biến đổi. “Lão Tử” nói: “Vạn vật phụ âm nhi bao dương, xung khí dĩ vi hoà” (Tạm dịch là: vạn vật bỏ âm mà ôm lấy dương, khí dồi dào là bình hoà). Khí, trong thuật phong thuỷ là một khái niệm rất phổ biến, rất quan trọng, có sinh khí, tử khí, dương khí, âm khí, thổ khí, địa khí, thừa khí, tụ khí, nạp khí, khí mạch, khí mẫu… Khí là khởi nguồn của vạn vật, khí biến hoá vô lường, khí quyết định hoạ phúc của con người. Con người muốn tránh tử khí, thừa sinh khí thì phải mời thầy phong thuỷ về “lý khí”. “Lý khí” là công việc vô cùng phức tạp, cần phải kết hợp Âm Dương – Ngũ Hành, thực địa khảo sát “vượng tượng” mới có thể đạt được “sinh khí”, có “sinh khí” rồi mới có thể có được phú quý. Vì thế, thuật phong thuỷ thực tế là “thuật tướng khí”.

Thuật phong thuỷ cho rằng, khí là bản nguyên của sự vật, nó biến hoá vô cùng, nó có thể biến thành nước, cũng có thể tích tụ lại thành sông thành núi. Trong cuốn “Thuỷ long kinh” của Tưởng Bình Giai đời Minh luận về “Khí cơ diệu vận” có nói rằng: “Thái thuỷ duy nhất khí, mạc tiên vu thuỷ. Thuỷ trung tích trọc, toại thành sơn xuyên. Kinh vân: khí giả, thuỷ chi mẫu. Thuỷ giả, khí chi tử. Khí hành tắc thuỷ tuỳ, nhi thuỷ chỉ tắc khí chỉ, tử mẫu đồng tình, thuỷ khí tương trục dã. Phu dật vu địa ngoại nhi hữu tích giả vi thuỷ, hành vu địa trung nhi vô hình giả vi khí. Biểu lí đồng dụng, thử tạo hoá chi diệu dụng, cố sát địa trung chi khí xu đông xu tây, tức kỳ thuỷ chi hoặc khứ hoặc lai nhi tri chi hĩ. Hành long tất thuỷ phụ, khí chỉ tất hữu thuỷ giới. Phụ hành long giả thuỷ, cố sát thuỷ chi sở lai nhi tri long khí phát nguyên chi thuỷ, chỉ long khí giả diệc thuỷ, cố sát thuỷ chi sở giao nhi tri long khí dung tụ chi xử.” (Bắt nguồn duy nhất chỉ có khí, trước tiên là ở nước. Trong nước tích tạp vật biến thành sông thành núi. Trong kinh nói rằng: Khí là mẹ của nước, nước là con của khí. Khí đi nước cũng theo, khí dừng thì nước cũng dừng, mẹ con đồng lòng, khí nước cùng theo nhau. Tràn trên mặt đất mà để lại dấu tích là nước, đi trong lòng đất mà vô hình là khí. Đó là điều kỳ diệu của tạo hoá, nhìn khí trong đất đi hướng đông hướng tây tức là sẽ biết nước hoặc đi hoặc lại. hành long cần nước phụ trợ, khí dừng sẽ có ranh giới nước. Trợ giúp hành long là nước, nhìn nước đến sẽ biết khởi nguồn của long khí. Dừng long khí cũng là nước, nhìn nước giao nhau sẽ biết nơi quy tụ long khí). Từ đó có thể thấy, sơn mạch (dãy núi) và hà lưu (sông ngòi) đều có thể thống nhất trong “khí”, đi tìm sinh khí chính là cần phải quan sát hướng đi của sông núi.

Thuật phong thuỷ còn cho rằng, khí quyết định hoạ phúc của con người. Có thổ ắt có khí, người sống được khí, người chết trở về với khí. Trong “Táng thư” của Quách Phác có nói rất rõ ràng rằng: “Táng giả, thừa sinh khí dã. Phu âm dương chi khí, y nhi vi phong, thăng nhi vi vân, giáng nhi vi vũ. Hành hồ địa trung nhi vi sinh khí, hành hồ địa trung phát nhi sinh hồ vạn vật. Nhân thụ thể vu phụ mẫu, bản hài đắc khí, di thể thụ ấm. Cái sinh giả, khí chi tụ ngưng, kết giả thành cốt, tử nhi độc lưu. Cố tang giả, phản khí nội cốt, dĩ ấm sở sinh chi đạo dã. Kinh vân: Khí cảm nhi ứng hoạ phúc cấp nhân, thị dĩ đồng sơn tây băng, linh chung đông ứng, mục hoa vu xuân, lật nha vu thất. Khí hành hồ địa trung, kỳ hành dã, nhân địa chi thế; kỳ tụ dã, nhân thế chi chỉ. Khưu lũng chi cốt, cương phụ chi chi, khí chi sở tuỳ. Kinh viết: Khí thừa phong tắc tán, giới thuỷ tắc chỉ, cố nhân tụ chi sứ bất tán, hành chi sứ hữu chỉ”. Đoạn này có coi là tổng cương của phong thuỷ, cốt lõi của tổng cương này là khí. Từ đoạn này chúng ta có thể biết được cách nhìn tổng quát về khí của các thầy phong thuỷ: Sinh khí là khí vận hoá nhất nguyên, trên trời thì chảy xung quanh lục hư, dưới đất thì phát sinh vạn vật. Trên trời không có thì cũng không thể có khí dưới đất, đất không có khí thì cũng không có hình. Sinh khí nằm trong lòng đất, con người không thể nhìn thấy được. Người chết nếu biết được sở tại sẽ làm cho xương khô được thừa khí mà được phúc. Hài cốt cha mẹ là cái thân của con cháu, hình thể con cháu là cái cành của cho mẹ, thân và cành tương ứng, được cát (lành) thì thần linh an, con cháu thịnh, đây gọi là “Khí cảm nhi ứng quỷ phúc cập nhân”.

Bất luận là âm trạch hay dương trạch đều cần phải chú ý thừa sinh khí, tránh tử khí. Trong “Hoàng đế trạch kinh” có viết: “Mỗi niên hữu thập nhị nguyệt, mỗi nguyệt hữu sinh khí tử khí chi vị….. Chính nguyệt sinh khí tại Tí Quý, tử khí tại Ngọ Đinh; Nhị nguyệt sinh khí tại Sửu Cấn, tử khí tại Mùi Khôn; Tam nguyệt sinh khí tại Dần Giáp, tử khí tại Thân Canh; Tứ nguyệt sinh khí tại Mão Ất, tử khí tại Dậu Tân; Ngũ nguyệt sinh khí tại Thìn Tốn, tử khí tại Tuất Càn; Lục nguyệt sinh khí tại Tị Bính, tử khí tại Hợi Nhâm; Thất nguyệt sinh khí tại Ngọ Đinh, tử khí tại Tí Quý; Bát nguyệt sinh khí tại Mùi Khôn, tử khí tại Sửu Cấn; Cửu nguyệt sinh khí tại Thân Canh, tử khí tại Dần Giáp; Thập nguyệt sinh khí tại Dậu Tân, tử khí tại Mão Ất; Thập nhất nguyệt sinh khí tại Tuất Càn, tử khí tại Thìn Tốn; Thập nhị nguyệt sinh khí tại Hợi Nhâm, tử khí tại Tị Bính”. Điều này có nghĩa là mỗi một tháng đều có sinh khí và tử khí, phương vị cụ thể là phương vị dùng Bát Quái, Thiên Can, Địa Chi biểu thị trên la bàn. Khi thầy phong thuỷ xem đất, tay giữ la bàn, đầu tiên xem rõ phương vị của sinh khí và tử khí tháng đó, lấy phương vị sinh khí động thổ là lành, lấy phương vị tử khí động thổ là dữ.

Vì thế, “lý khí” là một trong những mấu chốt quan trọng của thuật phong thuỷ. Thầy phong thuỷ cho rằng, lý ngụ vu khí, khí cố vu hình. Hình dùng mắt để nhìn, khí dùng lý để quan sát. Thiên Tinh Quái Khí là phép tắc của thừa khí. Lấy Phục Hi Tiên Thiên Bát Quái phối hợp Âm Dương, lấy Văn Vương Hậu Thiên Bát Quái để suy bài Hào Tượng. Lấy Bát Quái làm Thiên Địa Nhật Nguyệt, Lục Thập Tứ Quái làm Âm Dương Khí Hậu. Như vậy có thể đoán biết được vạn sự vạn vật, chỉ cần lý khí thích hợp, thừa khí xuất sát khí, tiêu nạp khống chế, tinh biện nhập thần là có thể đạt được mục đích.

* Điều nên biết *

Học vấn Ngũ Hành trong đặt tên nước: Ảnh hưởng của lý luận Ngũ Hành đối với Trung Quốc không nơi đâu là không có. Ví dụ, từ triều Đường trở lại, Quốc Hiệu của năm triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều phù hợp với lý luận Ngũ Hành Nghịch Khắc. Triều Đường với tên gọi “Đông Thổ Đại Đường”, tính chất là Thổ; Chữ “Tống” trong Triều Tống có tính chất là Mộc, Mộc khắc Thổ; Triều Nguyên với tên gọi Kim Quốc, tính chất là Kim, Kim khắc Mộc; Chữ “Minh” trong Triều Minh có tính chất là Hoả, Hoả khắc Kim; Chữ “Thanh, Mãn” trong Triều Thanh có tính chất là Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả. Như vậy hình thành nên một chuỗi Ngũ Hành Khắc Luyện (chuỗi tương khắc Ngũ Hành) hoàn chỉnh “Thổ←Mộc←Kim←Hoả←Thuỷ←Thổ”.

 

Lẽ nào đây là sự “khéo trùng hợp” của lịch sử sao?

* Ngũ hành đặt tên

Cổ nhân đặt tên, trên thì Đế Vương, quan tướng, dưới thì lê dân bách tính đều rất chú trọng vận dụng lý luận Ngũ Hành, bởi vì thiên địa vạn vật đều do 5 loại nguyên tố Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ tổ hợp thành, vạn vật thế gian đều bị khống chế bởi sinh khắc Ngũ Hành, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc. “Ngũ Hành đặt tên” chính là đặt tên dựa vào nguyên lý trên. Trong một gia tộc, mỗi một đời lấy một Hành, đời đời tương sinh. Con cháu của ông tổ đời Minh - Chu Nguyên Chương cũng được đặt tên theo mối quan hệ tương sinh Ngũ Hành. Thành tổ - Nhất Chu Đệ (Mộc) → Nhân Tông – Chu Cao Xí (Hoả) → Tuyên Tông – Chu Chiêm Cơ (Thổ) → Anh Tông – Chu Kì Trấn (Kim) → Hiến Tông – Chu Kiến Thâm (Thuỷ) → Hiếu Tông – Chu Hựu Đường (Mộc) → Vũ Tông – Chu Hậu Chiếu (Hoả) → Mục Tông – Chu Tái (Thổ) → Thần Tông – Chu Dực Quân (Kim) → Quang Tông – Chu Thường Lạc (Thuỷ) → Tư Tông – Chu Do Kiểm (Mộc). Cách dùng này có dụng ý để Ngũ Hành Sinh Luyện (chuỗi tương sinh Ngũ Hành) phù hộ độ trì cho giang sơn Đại Minh được thế hệ con cháu về sau đời đời tương truyền, tuần hoàn không dứt.

Luận sát phong thuỷ

Phong thuỷ là một loại khí trường của giới tự nhiên, năng lượng có ích cho cơ thể người được gọi là Khí, năng lượng có hại cho cơ thể người gọi là Sát. Con người trong những hoàn cảnh khác nhau nhận được cảm ứng cát hung của năng lượng Quang (ánh sáng), Khí (không khí), Thuỷ (nước) khác nhau. Sát trong phong thuỷ có thể chia thành: Hình sát, Khí sát, Thanh sát, Quang sát, Phong sát, nhưng Hình sát chiếm phần lớn.

Hình sát

Hình sát là sát khí hữu hình của vật thể, nhìn thấy được, sờ thấy được. Do vị trí không giống nhau vì thế cát hung cũng khác nhau. Hình sát là một nội dung trong phong thuỷ của phái Hình Thế. Ví dụ lộ xung, cấm kỵ nhất là xung môn (nghĩa là đường cấm kỵ nhất là xông thẳng vào cửa), ở phương vị khác cũng cấm, xung khôn vị tổn mẫu, xung khảm vị thương trung nam. Lộ xông chia thành Cát xông và Hung xông, Dương Trạch Khí Khẩu Môn Quái Vượng không sợ xông, công xưởng nhà máy, quán rượu không sợ xông. Nếu bố cục tốt, phản xông là vượng. Nhưng trong những trường hợp bình thường bị xông là không tốt, đường càng rộng càng dài thì hung khí càng lớn.

Lại ví dụ thuỷ xạ, là sự xông bắn, hướng chảy của dòng nước, nước lớn, nước chảy gấp, nước chảy thẳng đều là hung. Nếu nước chảy từ nơi xa đến, bỗng nhiên dừng lại, chảy vào bể nước hoặc đầm hồ, như vậy là thế nước có thu, nghĩa là cát. Trong phong thuỷ cũng có lúc gọi con đường là “nước”, tuy có con đường thẳng xông đến, bỗng nhiên ngoặt vào một bãi đỗ xe, cũng được gọi là “thế nước có thu”, nghĩa là cát.

Hay như tường có lỗ hổng, không thể tàng phong tụ khí (giữ gió, tích tụ khí), đây là tượng trưng của sự suy bại, sống lâu ở đó sẽ làm cho gia vận bị suy thoái. Vị trí tường khuyết ở Quái Tượng nào thì sự vật mà Quái Tượng đó đại diện sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ, càn vị khuyết sẽ ảnh hưởng đến quyền lực và địa vị của chủ nhà, hoặc bị thương ở đầu hay đầu não có bệnh. Tóm lại là sự vật mà Càn Quái đại diện đều sẽ bị ảnh hưởng. Cuối cùng là những sự vật nào? Điều này cần phải phân tích tổng hợp.

Lại ví dụ thụ chàng (đụng phải cây), tức là trước cửa có cây lớn ở giữa dễ bị mắc bệnh liên quan đến khoang miệng. Bởi vì môn (cửa) như khẩu (miệng). Môn ở quái vị nào thì sự vật mà quái vị đó đại diện sẽ bị ảnh hưởng. Nếu có cột điện trước cửa cũng như vậy.

Nếu có một kiến trúc cao lớn áp sát dương trạch, tức là bị “cao áp”, ép đến nỗi người không thể thở ra hơi, sống lâu như vậy sẽ gây trở ngại về tâm lý. Hay có máy biến áp, đền miếu, đầm hồ, bãi tha ma, ống khói, nhà vệ sinh, đống rác thải, đường sắt, cầu…, ở những vị trí không giống nhau đều có thể hình thành nên “Sát”, sẽ gây ra nguy hại đối với người ở ngôi nhà đó.

Ngoài ra, môn phái không giống nhau đối với “sát” cũng có sự chú trọng khác nhau. Ví dụ nói về “bát sát”, bát sát chính là tám phòng ốc ở những toạ hướng khác nhau, mỗi cái đều có một phương sát khí, nếu phạm

phải phương này cần phải đề phòng sự cố ngoài ý muốn. Những sát khí này coi Hình sát của Trạch ngoại là chính. Ở đây đề cập đến cách làm thế nào để sử dụng la bàn, môn phái không giống nhau, cách dùng cũng khác nhau.

Khí sát

Hình sát là vật thể thực tại nhìn thấy được, sờ thấy được, cũng có một loại sát nhìn không thấy, sờ không được nhưng ở bất kỳ thời khắc nào đều sinh ra ảnh hưởng đối với con người, đó chính là Khí sát. Loại khí này không phải là không khí, mà là một loại trường năng lượng, giống như từ trường mà khoa học hiện đại vẫn thường nói.

Trong phạm trù phong thuỷ học có rất nhiều loại sát khí. Khí sát là sáng chế độc quyền của phái lý khí, trong đó tuế tinh của mỗi năm là hung nhất, tỉ lệ ứng nghiệm cao nhất, khả năng sát thương lớn nhất trong các loại sao.

Đặc biệt là hung tinh trong tuế tinh bay đến cửa lớn, giường ngủ, phòng bếp, trong nhà, thậm chí là thần vị, như vậy những người trong nhà dễ bị những lời thị phi của miệng lưỡi người đời, sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng, xem xét tính chất của hung tinh này mà quyết định ứng số ở phương diện nào.

  1. Ngũ Hoàng: sát trung chi sát, lâm phương giai hung, trở ngại bách ban (sát hướng nào cũng là hung, trở ngại mọi thứ)
  2. Nhị Hắc: vi bệnh phù tinh (bệnh khớp với sao), tác dụng chủ yếu là sinh ra bệnh tật, làm cho con người mệt mỏi, người bị hại sẽ cảm thấy như là mắc bệnh thương phong cảm mạo.
  3. Tam Bích: vi suy vưu tinh (ngu ngốc đổ lỗi cho sao), đa chủ, gia trạch không yên ổn, sức khoẻ sút kém.
  4. Thất Xích: là tặc tinh (sao băng), hung tính ở trên Tam Bích, tập trung vào hiệu ứng phá sản, thất nghiệp tương đối nghiêm trọng.

Thanh sát

Các loại âm thanh không đồng đều nhịp nhàng đều có thể cấu thành nên thanh sát. Khoa học hiện đại gọi là ô nhiễm tiếng ồn.

Bất luận là tiếng ồn có tính sản sinh hay là tiếng ồn môi trường, ngoài việc sinh ra những tổn hại đến hệ thính giác, hệ thần kinh, hệ tâm huyết quản của con người ra, còn có ảnh hưởng không tốt đến chức năng sinh sản của con người và sự phát triển của phôi thai.

Làm Quen Phong Thuỷ Học, Vận Dụng Phong Thuỷ Học

Theo kết quả nghiên cứu bệnh học lưu hành cho thấy, tiếng ồn có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ không có quy luật, kỳ kinh kéo dài, lượng huyết kinh tăng lên hoặc giảm đi và gây ra bệnh thống kinh (đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt). Khi cường độ tiếng ồn lên tới 90dB trở lên, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh kinh nguyệt bất thường cũng hiển nhiên tăng lên. Những người tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ trên 100dB thì bệnh tình càng rõ rệt hơn. Nguyên nhân là tiếng ồn có thể kích thích tế bào noãn của phụ nữ bị biến đổi giữa hai thời kỳ phát triển: Ở giai đoạn đầu, thúc đẩy tế bào noãn nhanh chín hoặc tế bào noãn có sự cải biến tụt lùi rõ rệt. Ở giai đoạn sau, chủ yếu là khép kín tế bào noãn.

Phụ nữ thời kỳ mang thai và sinh đẻ tiếp xúc với tiếng ồn cường độ cao, đặc biệt là phụ nữ mang thai tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ 100dB trở lên, tỉ lệ phát bệnh trúng độc thai nghén tăng cao rõ rệt.

Giả dụ, bên cạnh nhà bạn ở có một quán bar disco hiện đại hoặc hàng xóm của bạn là một người mê nhạc hiện đại, hoặc trong nhà bạn xuất hiện một “loại người mới” mê điên cuồng nhạc hiện đại, vậy là bạn đã bị hại rồi. Theo các chuyên gia hữu quan, người mà phải nghe âm nhạc có tính kích thích mạnh trong thời gian dài thì thính lực bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu bạn là một người không hiểu nhạc hiện đại, vậy thì khi bạn nghe loại nhạc này chỉ là tiếng ồn mà thôi. Trong vòng 3 năm, thính lực của bạn sẽ bị suy thoái nghiêm trọng, người bị nặng có thể bị điếc.

Các nhà khoa học qua quá trình nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Liên tục nghe loại nhạc có tính kích thích trong vòng 4 tiếng đồng hồ thì tai cần 20 – 50 tiếng đồng hồ để bình phục lại thính lực bình thường. Tiếng ồn có thể tạo áp lực cho con người, dẫn đến huyết áp tăng cao, tim đập dồn dập và hô hấp gấp gáp. Sử dụng phương pháp trải thảm dày trên đất và lắp trần nhà hút âm đặc biệt sẽ có thể giảm bớt tiếng ồn và có thể cải thiện được tình hình.

Quang sát

Trong những lúc nào đó, ánh sáng cũng là một loại sát khí. Khoa học gọi Quang sát là ô nhiễm ánh sáng. Bị hại sâu sắc nhất chính là con người sống trong đô thị hiện dại. Trên Thế giới ô nhiễm ánh sáng được chia ra làm 3 loại, tức là ô nhiễm ánh sáng ban ngày, ánh sáng ban ngày nhân tạo và ô nhiễm ánh sáng màu. Ô nhiễm ánh sáng ban ngày là chỉ khi ánh nắng mặt trời chiếu xuống quá gay gắt, tường kính, tường gạch hoa, đá phiến nhẵn bóng và các loại sơn nhẵn của các vật kiến trúc trong thành thị phản xạ lại tia sáng, ánh sáng loá chói chang làm chóng mặt hoa mắt.

Ánh sáng ban ngày nhân tạo là chỉ sau khi màn đêm buông xuống, ở các trung tâm thương mại, đèn quảng cáo của các quán bar hay đèn nhấp nháy loá mắt làm cho mắt người bị hoa, có những ánh sáng mạnh thậm chí xuyên tận lên trời cao làm cho ban đêm sáng như ban ngày, đó chính là cái gọi là ánh sáng ban ngày nhân tạo.

Ô nhiễm ánh sáng màu là chỉ nguồn ánh sáng màu của những ngọn đèn huỳnh quang, đèn cực tím, đèn quay, đèn nhấp nháy… được lắp trên sàn nhảy hay trong những buổi dạ tiệc gây nên ô nhiễm ánh sáng màu.

Nếu con người sống thời gian dài hoặc sống trong môi trường như vậy sẽ gây ra nhiều tổn hại đến sức khoẻ, nếu xung quanh ngôi nhà ở mà có môi trường như vậy mà lại thiếu biện pháp phòng hộ cần thiết cũng sẽ bị phương hại.

Dưới sự ô nhiễm ánh sáng trắng, võng mạc và mống mắt sẽ bị tổn hại ở những mức độ khác nhau, thị lực nhanh chóng suy giảm, tỉ lệ phát bệnh đục thuỷ tinh thể (hay còn gọi là bệnh thong manh) đạt đến 45%. Hơn nữa, còn làm cho con người đầu óc choáng váng, bực bội trong lòng, thậm chí sinh ra các triệu chứng suy nhược thần kinh như mất ngủ, ăn kém, tâm trạng tụt dốc, sức lực suy kiệt…

Ánh sáng trong “thành phố không đêm” có thể làm đảo loạn đồng hồ sinh học bình thường trong cơ thể người, dẫn đến giảm hiệu suất làm việc ban ngày. Nếu sống trong ngôi nhà có cửa sổ lớn, nhiều cửa sổ mà không chú ý che chắn thì sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Cường độ tia tử ngoại do đèn cực tím sản sinh ra cao hơn rất nhiều so với tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời và rất có hại cho cơ thể con người. Con người nếu tiếp nhận loại chiếu xạ này trong thời gian dài thì có thể dẫn đến bệnh chảy máu mũi, rụng răng, đục thuỷ tinh thể, thậm chí còn dẫn đến bệnh máu trắng và các bệnh ung thư khác. Nguồn ánh sáng màu làm cho mắt của con người bị hoa, bị rối loạn, loại ánh sáng này không chỉ bất lợi đối với mắt mà còn làm ảnh hưởng đến thần kinh trung ương đại não, làm cho con người thường xuyên cảm thấy đầu óc choáng váng, hoa mắt, xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, mất ngủ… Hơn nữa, ô nhiễm ánh sáng màu không chỉ làm tổn hại chức năng sinh lý mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý.

Phong sát

Vật kiến trúc bị gió lớn thổi là sát. Ví dụ, vật kiến trúc quá cao, xung quanh không có vật kiến trúc cao lớn tương tự bao bọc, nó sẽ trở thành “đỉnh cô đơn”, không thể tàng phong tụ khí, về phong thuỷ bị coi là không lành.

Tất cả hệ thống gió bất lợi cho con người gọi là Phong sát. Ví dụ, phương Bắc hàn lạnh, nên coi gió Tây Bắc là sát phong. Cửa trước, cửa sau và cửa giữa nằm thông nhau trên một đường thẳng, hình thành nên một quá đường phong, đây cũng là sát phong. Mùa hạ dùng quạt, mức độ gió vừa phải thì là cát phong, mức độ gió quá mạnh là sát phong.

Thuật phong thuỷ cổ đại cho rằng, trạch tiền có ao phong (gió trũng) thì minh đường sẽ bị nghiêng. Trạch hậu có ao phong thì tí bác (cánh tay) sẽ bị lạnh, không có chỗ nào để nương tựa. Trạch tả có ao phong thì long sa mềm yếu, vô tình. Trạch hựu có ao phong thì bạch hổ trống rỗng, bất cát (không lành). Loại ao phong này đều là sát phong.

* Cây xanh và phong thuỷ

Trong phong thuỷ kiến trúc Trung Quốc, núi lớn được phủ đầy cây xanh là rất cần thiết, sinh thái quan tự nhiên sơn thanh thuỷ tú là một bộ phận tổ thành hữu cơ của phong thuỷ kiến trúc.

Tác dụng chủ yếu của cây xanh trong phong thuỷ kiến trúc là: duy trì sinh khí, điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, hàm lượng ion âm của môi trường không bị sát che chắn, bao gồm phong sát, quang sát, thanh sát, điện từ sát. Từ phương diện này mà nói, lý niệm “phong thuỷ kiến trúc là để thực hiện thiết kế bản thân, duy trì sơn thanh thuỷ tú” và tư tưởng “xã hội hiện đại vì chất lượng cuộc sống, xã hội, môi trường sinh thái có thể liên tục phát triển” là thống nhất với nhau.

Chế sát không bằng hoá sát

Vừa nhắc đến hoá sát phong thuỷ, mọi người sẽ liền nghĩ đến các đồ vật như gương hoá sát, tì hưu (tên một loài thú dữ), tiền Ngũ Đế…

Trong phong thuỷ truyền thống, hoá tai giải nạn là một việc làm vô cùng thần kỳ, huyền bí khó hiểu, trên thực tế chỉ cần chúng ta hiểu nguyên lý hoá sát phong thuỷ thì tất cả sẽ trở nên rất đơn giản. Phép hoá sát giải tai chính là ứng dụng chế hoá sinh khắc Ngũ Hành, một bức tranh sơn thuỷ, một bức tự, một bồn hoa, một lá quốc kỳ, một chiếc đồng hồ, một túm ớt đỏ, một bể cá vàng, một bình hoa… đều có thể là công cụ hoá sát giải tai, ngoài việc có thể trang trí làm đẹp ngôi nhà ra, chúng còn có thể phát huy tác dụng điều tiết môi trường, tăng cường khí trường cho ngôi nhà. Đối với một thầy phong thuỷ mà nói, bất kỳ một đối tượng nhỏ nào đều có thể dùng để điều tiết khí trường. Nhưng cần chú ý, có một số công cụ chế sát đặt trong ngôi nhà hiện đại chưa chắc có thể làm cho bố cục trong ngôi nhà được hài hoà nhất trí.

Có người hỏi, một bức tranh chữ, một chiếc đồng hồ có nguồn năng lượng lớn như vậy sao? Vậy thì xin hỏi, vậy sao một chiếc ngân trâm (kim bạc) khi đâm vào một huyệt vị nào đó trên cơ thể người lại có thể chữa khỏi bệnh? Hiệu ứng của hoá sát phong thuỷ cũng tương tự như nguyên lý châm cứu vậy.

Thuật hoá giải thực ra rất dễ hiểu: Chế và trấn áp có tác dụng ở một điểm, còn hoá và lưu thông có tác dụng toàn cục, ví dụ như trị thuỷ Vũ Cổn (Cổn là cha của vua Vũ), có sự khác biệt giữa khơi thông dẫn chảy với bịt lấp, vua Vũ cho rằng khơi thông dẫn chảy là Vương thiên hạ, còn ông Cổn cho rằng bịt lấp mới đánh chết được Vũ Uyên.

Vài năm gần đây, có những nơi còn xuất hiện đại chiến phong thuỷ, nhà này treo một tấm sơ đồ Bát Quái, nhà kia dùng một chiếc gương phong thuỷ, cách làm này không chỉ làm cho mối quan hệ láng giềng xấu đi, có khi còn gây cho cả hai nhà cùng thất bại và bị thương. Họ đều quên một nguyên tắc quan trọng nhất là “chế sát không bằng hoá sát”.

Bài viết cùng chủ đề

Một Số Câu Hỏi Liên Quan Giữa Nhà Ở Và Phong Thủy

Một Số Câu Hỏi Liên Quan Giữa Nhà Ở Và Phong Thủy

Ngọc Phương
Ngọc Phương 1 năm trước

Việc áp dụng kiến thức phong thủy trong thiết kế nhà ở là rất cần thiết và quan trọng. Hãy cùng chúng tôi giải đáp một số câu hỏi về mối liên quan giữa phong thủy và căn nhà của bạn.

Khám Phá Dịch Vụ Tư Vấn Phong Thủy Tại Vạn Sự Như Ý

Khám Phá Dịch Vụ Tư Vấn Phong Thủy Tại Vạn Sự Như Ý

Lâm Huyền Cơ
Lâm Huyền Cơ 1 tháng trước

Khám phá dịch vụ tư vấn phong thủy uy tín và chuyên nghiệp tại Vạn Sự Như Ý

Các Câu Hỏi Phong Thủy Về Căn Nhà Và Khu Đất Bạn Nên Biết

Các Câu Hỏi Phong Thủy Về Căn Nhà Và Khu Đất Bạn Nên Biết

Ngọc Phương
Ngọc Phương 1 năm trước

Từ xa xưa con người đã biết vận dụng những kinh nghiệm sống để căn nhà và khu đất phù hợp với tự nhiên. Những kiến thức sống trên cơ sở vận dụng những yếu tố tự nhiên đó, trải qua hàng ngàn năm đã dần hình thành nên thuật phong thủy xem căn nhà và khu đất.