Quẻ Thiên Thủy Tụng (Quẻ số 6 trong Kinh Dịch) Có Ý Nghĩa Tốt Hay Xấu? Luận giải chính xác dể hiểu

  • Viết bởi: Ngọc Phương
    Ngọc Phương Tôi là Ngọc Phương, hiện đang đảm nhiệm vị trí Content Writer cho Vạn Sự Như Ý
  • 122 Lượt xem
  • Cập nhật lần cuối 24/01/2023
  • Reviewed By Lâm Huyền Cơ
    Lâm Huyền Cơ Lâm Huyền Cơ là người yêu thích tìm hiểu các kiến thức phong thủy cổ đại, bên cạnh đó còn nghiên cứu kinh dịch và phong thủy hiện đại.

Ý Nghĩa Quẻ Số 6 Quẻ Thiên Thủy Tụng Hung Hay Cát: Luận giải chi tiết

Quẻ Thiên Thủy Tụng là quẻ số 6 trong kinh dịch, nó là quẻ xấu hay quẻ tốt, mang đến ý nghĩa gì cho người sở hữu quẻ này? Cùng tìm hiểu ngay với phần giải nghĩa chi tiết dưới đây nhé!

Xem giải nghĩa chi tiết quẻ số 6 Quẻ Thiên Thủy Tụng?

Tượng quẻ: Quẻ Thiên Thủy Tụng (Quẻ số 6 trong Kinh Dịch) Có Ý Nghĩa Tốt Hay Xấu? Luận giải chính xác dể hiểu
Lời kinh: 訟, 有孚窒惕, 中吉, 終凶, 利見大人, 不利涉大川.
Dịch âm: Tụng, hữu phu chất dịch, trung cát, chung hung, lợi kiến đại nhân, bất lợi thiệp đại xuyên.
Dịch nghĩa: Kiện, có thật, bị lấp, phải Sợ, vừa phải, tốt; theo đuổi đến chót, xấu; lợi về sự thấy người lớn, không lợi về sự sang sông lớn.
Giải nghĩa: Tụng là tranh kiện. Trên Kiền dưới Khảm, Kiền cứng Khảm hiểm, người trên dùng sự cứng để chê kẻ dưới, kẻ dưới dùng sự hiểm để nhòm người trên, lại là mình hiểm mà nó mạnh, đều là đạo kiện. Quẻ này hào Chín Hai giữa đặc mà không có kẻ ứng cùng, lại là thêm lo. Vả, theo quái biến, nó tự quẻ Độn mà hại, tức là kẻ cứng đến ở hào Hai mà nhằm vào giữa thể dưới, có tượng có sự thật bị lấp, biết sợ mà hợp với lẽ vừa phải; hào Chín Trên quá cứng ở cuối sự kiện, có tượng theo đuổi việc kiện đến cùng! Hào Chín Năm cứng mạnh, trung chính ở ngôi tôn, có tượng người lớn; lấy tư cách Dương cương cưỡi lên chỗ hiểm, ấy là sự đầy đặc xéo vào chỗ hãm, có tượng không lợi về sự sang sông lớn, cho nên mới răn kẻ xem ắt có sự tranh biện và tuỳ theo chỗ của họ ở mà thành ra lành hay dữ.
Loại Quẻ:  Hung
Tốt cho việc:  Không tốt

Ứng dụng Quẻ Thiên Thủy Tụng Trong Cuộc Sống Kinh Doanh

Sóng gió hiểm nguy đều có thể bình lặng, không cần phải cố chấp tranh tụng. Mẫu thuẫn tương tàn, lấy nhu hòa giải, tự nhiên binh sẽ tiêu, gươm sẽ gãy. 

Quẻ Tụng bao hàm ý nghĩa thưa kiện và tranh chấp sự vật. 

Lão tử có một câu nổi tiếng đáng để các nhà xí nghiệp kinh doanh như chúng ta ghi nhớ và suy nghĩ, ông nói: “Thận chung như thủy, tắc vô bại sự”, dịch nghĩa: “Cẩn thận ở lúc cuối cùng giống như lúc ban đầu, thì không thất bại điều gì”. Ý nghĩa đó hoàn toàn giống như lời khuyên của quẻ Tụng trong kinh Dịch: “Thiên dữ thủy vi hành, TỤNG, quân tử dĩ tác sự mưu thủy”, dịch nghĩa: “Trời và nước đi nghịch nhau, tranh tụng. Quân tử xem đó mà khi hành động phải mưu tính từ lúc ban đầu”. Ý muốn nói rằng, trời ở trên, nước ở dưới, vì phương hướng vận động không giống nhau mà dẫn đến sự tranh chấp. Đây là một cách so sánh của cổ nhân; nghiên cứu nguyên nhân căn bản của lời nói đó, là muốn nói chúng ta khi bắt đầu làm một công việc gì, thì phải cẩn thận từ đầu chí cuối, suy nghĩ đến hậu quả của nó. 

Một nhà kinh doanh, trước khi bắt đầu tham gia vào một công việc làm ăn, phải có khả năng suy nghĩ trù liệu đến những việc bất ngờ có thể phát sinh trong công cuộc làm ăn, lại phải chuẩn bị cẩn thận những hành động để đối phó với những biến cố bất ngờ xảy ra. Những chuẩn bị “cẩn thận lúc cuối cùng cũng giống như lúc ban đầu”, như thế có thể giảm thiểu hoặc có thể tránh được những tổn thất, hoặc thất bại, vừa đề phòng ngăn chặn trước những tranh tụng chắc chắn phải phát sinh. Dĩ nhiên, kinh doanh là một công việc rất phức tạp và rối rắm, không thể không có những mâu thuẫn xảy ra. Nhưng khi phát sinh những tranh chấp và tố tụng, đối với nhà kinh doanh, không được để cho mình thất lý dẫn đến thất bại. Chưa suy nghĩ kỹ cách giải quyết với nhau đã vội vàng đưa ra “đối chất giữa công đường”, những kinh nghiệm đó tôi đã trải qua, thực sự tôi cảm thấy chẳng có thú vị gì. Nếu có thể tránh được việc tố tụng đó, thì cố mà tránh. Vì thế, quẻ Tụng viết: “Tụng hữu phu trất thích, trung cát, cương lai nhi đắc dã ! Chung hung”, dịch nghĩa: “Tụng, có lòng tin, trở ngại, cẩn thận, giữa thì tốt, dùng cứng rắn mà được; cuối cùng là xấu”, lại ân cần khuyên ta: “Tự hạ tụng thượng, hoạn chỉ chuyết”, dịch nghĩa: “Từ dưới mà tranh chấp với trên, tự nhặt lấy họa” ý muốn nói rằng, khi hai bên phát sinh tranh chấp kinh tế, khi xuất hiện điềm tranh tụng, thì phải luôn luôn cẩn thận cảnh giác, cố gắng đừng để cho sự tình dẫn đến mức cực đoan, nếu trái lại sẽ gặp điều không hay. Lời đó cũng khuyên chúng ta, trong việc kinh doanh, đối với một số vấn đề tố tụng, cần nên nhường nhịn mà hóa giải thì tốt hơn. Nhưng có người lại dùng sức mạnh để đạt thắng lợi là cuối cùng họ tự chuốc họa vào thân. Trong câu “Hoạn chỉ chuyết đã”, “Chuyết” có ý nghĩa là tự chuốc lấy. 

Tôi đã từng gặp một số nhà kinh doanh và một vài người bạn làm biện lý trong tòa án lo việc tố tụng. Trong giai đoạn hành động kinh tế khá hỗn loạn ngày nay, chỗ nào cũng có xảy ra những tranh chấp tố tụng, khiến cho mọi người đều cảm thấy rất đau đầu, cho dù kẻ thắng kiện cũng không đạt được kết quả cuối cùng, nhưng khổ là không có cách nào khác hơn, chỉ còn cách là dùng kế “đột kích bất ngờ”, phong tỏa tài khoản đối phương mà thôi. Nhưng hiện giờ có địa phương theo chủ nghĩa bảo thủ, che chở cho nhau, ngân hàng có nhiều đầu ra, vì thế tuyệt chiêu đó không còn “linh” nữa. Như ở một địa phương nọ, có một công ty tiêu thụ đã phí mất thời gian ba năm để đi ra tòa tranh tụng 8 lần, từ tòa án địa phương đến tòa án trung cấp và cuối cùng là tòa án cao cấp. Ông tổng giám đốc của công ty đó nghe nói đến việc tố tụng ở tòa là ông đã nhức đầu, ông từng than khổ với tôi: “Thưa thì cứ thưa, ngày này hết ngày khác, tháng này đến tháng khác, kéo dài luôn năm này sang năm khác, mất hết thời gian, mất hết tinh lực, mất luôn cả công việc làm ăn, khách hàng trốn ráo hết, kết quả cuối cùng thực là “tuyệt diệu” hết chỗ nói: “Bất phân thắng bại”, tiêu hết trên một trăm vạn yên, đúng là xách giỏ tre mà đi múc nước, hoàn toàn là con số không. 

Có người so sánh đi thưa kiện ở tòa như đi cãi lộn với đàn bà, chẳng có một chút ý nghĩa gì. Lời nói này tuy không đúng hoàn toàn, nhưng chắc chắn có cái lý của nó. Đáng tiếc rằng có một số nhà kinh doanh, gặp việc tranh chấp là lửa giận bốc lên đầu, nhất quyết không chịu giải hòa, tình trạng giống như “một khi rút kiếm ra khỏi vỏ, là phải đấu một mất một còn” vậy. 

Còn kết quả của nó ra sao? Đúng như quẻ Tụng viết: “Tụng bất thành dã”. “Dĩ tụng thụ phục, diệc bất túc kinh dã”. Dịch nghĩa: “Tụng không thành” và “Lấy việc tố tụng để khuất phục kẻ khác, cũng không đáng được tôn trọng”. Ý muốn nói rằng, việc tố tụng xảy ra thường thường là do một số người có lòng hiểm ác, hoặc hành vi của họ quá cứng rắn, hoặc do lúc bắt đầu làm ăn, không suy nghĩ cẩn thận kỹ lưỡng, quá lạc quan, chỉ theo ảo tưởng mà làm. Vì thế, Dịch cho rằng, đối với việc tranh tụng thì khó mà tránh khỏi, nhưng khuyên ta nên cố gắng kềm chế bản thân mình, trừ phi vạn bất đắc dĩ, tránh được thì cố mà tránh. Bởi vì, cuối cùng khó mà đạt được kết quả như ý của bạn, có khi ngược lại, làm cho bạn rơi vào vũng bùn khó mà thoát ra được; cho nên, hóa giải được thì cố gắng mà hóa giải, không nên kéo dài thời gian, để lãng phí nhân lực, vật lực, cần nên lấy trí tuệ hóa giải hay hơn. 

Đối với việc tranh tụng này, ngay cả ông tổ của Nho gia là Khổng phu tử cũng phản đối. Trong thiên “NHAN UYÊN” của sách “Luận ngữ” đã có nói: “Đối với việc tố tụng, tài phán, ta và người cùng giống nhau. Nhưng tốt nhất là đừng đến “đối chất trước công đường”. 

Ông tổ Nho gia nói ra câu nói đó không phải là vô lý. 

Bài viết cùng chủ đề

Quẻ Trạch Thủy Khốn (Quẻ số 47 trong Kinh Dịch) Có Ý Nghĩa Tốt Hay Xấu? Luận giải chính xác dể hiểu

Quẻ Trạch Thủy Khốn (Quẻ số 47 trong Kinh Dịch) Có Ý Nghĩa Tốt Hay Xấu? Luận giải chính xác dể hiểu

Ngọc Phương
Ngọc Phương 1 năm trước

Ý Nghĩa Quẻ Số 47 Quẻ Trạch Thủy Khốn Hung Hay Cát: Luận giải chi tiết